“Trâu sắt” về buôn

Nếu được trợ giúp một cách thiết thực và phù hợp, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn sẽ nhanh chóng thoát nghèo, ổn định đời sống. Tại huyện miền núi Sông Hinh, việc hỗ trợ người dân tộc thiểu số nghèo mua máy cày, cơ giới hóa khâu làm đất đã góp phần tăng hiệu quả và năng suất lao động. Con “trâu sắt” giúp đồng bào vỡ đất nhanh hơn, làm ruộng lúa nước tốt hơn...

Thời điểm xuống giống vụ lúa đông xuân năm nay, về các buôn làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, kể cả các buôn làng nằm sâu trong rừng, đều nghe tiếng máy cày nổ dòn. Đây là những chiếc máy cày mới, từ chương trình hỗ trợ công cụ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2 được đưa vào sử dụng. Trước đây, ở huyện miền núi Sông Hinh, những hộ nghèo thường sử dụng bò hoặc sức người để cày ruộng và nương rẫy, hiệu quả không cao và thường mất rất nhiều thời gian.

Cuối năm 2008, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Sông Hinh khảo sát tình hình sản xuất tại các thôn buôn trong diện hỗ trợ, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và nhận thấy thiếu công cụ sản xuất đang là bức xúc lớn nhất của nhiều hộ nghèo ở các xã thuộc Chương trình 135 và thôn, buôn dân tộc thiểu số ở các xã vùng 2. Từ đó, huyện Sông Hinh đưa ra phương án hỗ trợ máy cày cho nhân dân và được bà con hưởng ứng. 26 chiếc máy cày đã được huyện đưa về hỗ trợ cho trên 300 hộ ở 6 xã khó khăn nhất của huyện. Ông Lê Ngọc Hải, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh phụ trách chương trình này, cho biết: “Huyện lựa chọn phương tiện máy cày vì sau khi đi khảo sát các thôn buôn trong diện hỗ trợ thì thấy hầu hết người dân đều thiếu sức kéo. Mỗi vụ sản xuất chi phí cho việc làm đất rất cao. Khi được hỏi ý kiến, 100% người dân trong diện hỗ trợ đều nhất trí với chủ trương hỗ trợ máy cày. Trên cơ sở đó, Phòng NN-PTNT xây dựng phương án và trình UBND huyện phê duyệt, triển khai”.

Trước khi chuyển giao máy cày cho từng nhóm hộ nông dân, huyện Sông Hinh cử cán bộ nông nghiệp đến từng nhóm hộ để hướng dẫn cách sử dụng cũng như bảo quản máy cày. Quy chế sử dụng, bảo dưỡng máy cũng được soạn thảo và thống nhất trong từng nhóm hộ.

Một nông dân ở buôn Dành B (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh) đang tập lái máy cày cày ruộng - Ảnh: L.BIẾT

MỘT CON TRÂU SẮT BẰNG TRĂM BÒ CÀY

Ma Nhíp là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Ea Bia được hỗ trợ máy cày tay phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, chiếc máy cày trong nhóm của anh hoạt động gần như hết công suất và hiệu quả đem lại cũng tăng đáng kể. Ma Nhíp nói: Mọi năm, khi xuống giống, 2 sào ruộng lúa nước của anh 2 người cuốc phải mất 10 ngày, đến khi cuốc xong thì thiếu nước sạ… Còn đất rẫy, với 1 - 2 ha đất, trước đây bà con phải mất từ 2 đến 2,5 triệu đồng tiền thuê máy cày. Nếu dùng bò cày thì mất cả 10 ngày, nửa tháng. Còn bây giờ, có máy cày do nhà nước hỗ trợ, không phải trả tiền cày nữa. Ruộng được làm đất nhanh hơn, không lo khô nước và trễ thời điểm xuống giống. “Cứ ngồi lên máy, điều khiển theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nháy mắt là xong hết” - Ma Nhíp nói.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc cày đất thì mỗi năm chỉ sử dụng máy 2 lần, hiệu quả sử dụng sẽ không cao. Ở một huyện miền núi, việc vận chuyển nông sản cũng không mấy thuận tiện, dễ dàng. Ông Y Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bia, nói: Để phát huy hết hiệu quả của máy cày, các nhóm hộ muốn mở rộng thành viên nhóm, tăng nguồn hỗ trợ, đủ điều kiện trang bị thêm rơ-moóc phục vụ việc vận chuyển nông sản, hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con.

Để làm được điều này, huyện Sông Hinh phải tính đến những điều kiện đi kèm. Nếu được hỗ trợ rơ-moóc, người dân dùng máy cày vận chuyển nông sản thì phải được cấp phép, người điều khiển máy cày phải được cơ quan chức năng công nhận và cấp bằng lái. Điều này quả thật không dễ nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng. Ông Lê Ngọc Hải, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Phòng đã tính toán vấn đề này. Trên cơ sở tập hợp những ý kiến của bà con, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh sẽ tham mưu UBND huyện trang bị thêm rơ-moóc cho mỗi máy cày, đồng thời dành một phần kinh phí đào tạo một thành viên trong nhóm biết lái máy cày, được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật và chi phí cho việc cấp biển sốá để máy kéo hoạt động hợp pháp”.

Nếu được như vậy, việc hỗ trợ máy cày sẽ tạo ra một bước chuyển lớn trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Chính cách hỗ trợ máy cày cho hộ nghèo ở huyện miền núi Sông Hinh đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, góp phần tăng quy mô sản xuất, cơ giới hóa đồng ruộng ở miền núi Phú Yên.
Nguồn : N/A